Dấu Hiệu Ung Thư Tuyến Tiền Liệt – Cách Phát Hiện Và Điều Trị?
Theo thống kê của tổ chức Y tế thế giới WHO năm 2018, ung thư tuyến tiền liệt đứng thứ 4 trong các bệnh ung thư phổ biến và đứng thứ 8 trong trong danh sách bệnh ung thư có tỉ lệ tử vong cao. Tại Việt Nam, năm 2018 có đến 3.959 ca mắc mới và 1.873 ca tử vong, những con số rất đáng báo động cho bệnh ung thư tiền liệt tuyến.
Vì vậy hãy tham khảo bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn về bệnh ung thư tuyến tiền liệt cũng như dấu hiệu ung thư tuyến tiền liệt từ đó có phương án điều trị hay phòng ngừa phù hợp.
Ung thư tuyến tiền liệt là gì?
Tiền liệt tuyến nằm ngay phía dưới bàng quang, nối liền với niệu đạo. Các tuyến ở trong mô tuyến tiền liệt tạo ra các chất dịch màu trắng, khi quan hệ tình dục tuyến này sẽ đẩy chất dịch này xuống niệu đạo, tạo thành tinh dịch.
Kích thước của tuyến tiền liệt thay đổi theo độ tuổi, ở nam giới trẻ tuổi, kích thước tuyến tiền liệt tương đương với kích thước của quả óc chó và lớn hơn khi nam giới về già.
Ung thư tuyến tiền liệt xảy ra khi một số tế bào bất thường tăng sinh không kiểm soát và có xu hướng di chuyển đến các bộ phận khác hay còn gọi là di căn. Mức độ nguy hiểm nhất là các tế bào ung thư di căn vào xương hoặc các hạch bạch huyết, lúc này khả năng bị tử vong là rất cao.
Ung thư tiền liệt tuyến được chi thành 4 giai đoạn như sau:
- Giai đoạn 1: Hình thành khối u, các tế bào ung thư lúc này chỉ khu trú ở tuyến tiền liệt, kích thước tiền liệt tuyến không to hơn so với kích thước bình thường.
- Giai đoạn 2: Khối u vẫn ở tuyến tiền liệt nhưng đã phát triển, kích thước tuyến tiền liệt phình lớn. Nếu đi kiểm tra sức khỏe có thể phát hiện ung thư tiền liệt tuyến bằng phương pháp xét nghiệm PSA và thăm khám trực tràng.
- Giai đoạn 3: Ung thư đã xâm lấn sang mô lân cận như: túi tính, cơ thắt niệu đạo, trực tràng, bàng quang…
- Giai đoạn 4: Các tế bào ung thư đã di căn vào hạch bạch huyết và các cơ quan ở xa khác như xương, gan, phổi…
Khi nghe đến ung thư, tất cả mọi người đều nghĩ ngay đến án tử đang treo trên đầu. Tuy nhiên các chuyên gia y tế chia sẻ rằng: Ung thư tuyến tiền liệt sẽ không gây chết người khi ở giai đoạn đầu. Cụ thể là giai đoạn 1 và 2. Trong giai đoạn này nếu người bệnh được phát hiện bệnh và tuân thủ nghiêm ngặt lộ trình điều trị của bác sĩ tỉ lệ sống sót sẽ cao, giúp bạn thoát được án tử.
Ngược lại, ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn 3 và 4 gây tử vong rất cao. Lúc này khối u đã di căn sang nhiều bộ phận khác, việc chữa trị dường như không còn hiệu quả cao. Các phương án tiến hành sẽ là: xạ trị, truyền hóa chất ức chế sự phát triển của tế bào ung thư. Tỉ lệ chữa khỏi ở giai đoạn cuối là rất thấp, đặc biết thấp hơn đối với người bệnh cao tuổi.
Vì thế việc bổ sung kiến thức nhận biết các dấu hiệu ung thư tiền liệt tuyến là cần thiết. Đồng thời nam giới cũng nên chú ý thăm khám sức khỏe định kỳ để tầm soát được các bệnh lý nguy hiểm, không có dấu hiệu nhận biết rõ ràng.
Những yếu tố nguy cơ nào dẫn đến ung thư tuyến tiền liệt
Những yếu tố có liên quan chặt chẽ đến khả năng tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư tiền liệt tuyến, gồm:
- Tuổi tác: Các nghiên cứu chỉ ra rằng ung thư tiền liệt tuyến hiếm khi xảy ra với những bệnh nhân dưới 40 tuổi. Tỷ lệ bệnh nhân mắc ung thư tuyến tiền liệt cao nhất ở độ tuổi trên 50 đến 65 tuổi.
- Chủng tộc: Một số thống kê cho thấy tỷ lệ mắc ung thư tuyến tiền liệt cao như địa lý (khu vực bắc Mỹ, bắc âu, châu Úc), chủng tộc (đàn ông châu Phi, châu Mỹ).
- Tiền sử người thân trong gia đình: Những người có anh, em ruột bị ung thư tiền liệt tuyến có nguy cơ mắc bệnh cao gấp đôi người bình thường.
Ngoài những yếu tố trên, còn có một số yếu tố được cho là có khả năng làm tăng nguy cơ ung thư tiền liệt tuyến. Tuy nhiên chưa có các bằng chứng khoa học cụ thể để khẳng định những yếu tố này trực tiếp gây ra ung thư tiền liệt tuyến.
Các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư tiền liệt tuyến như:
- Chế độ ăn: Một vài bằng chứng cho thấy ăn nhiều thịt đỏ, thực phẩm nhiều chất béo bão hòa có thể gia tăng nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt
- Lối sống không khoa học: thường xuyên hút thuốc, uống rượu bia….
- Mắc bệnh lây qua đường tình dục
- Viêm tuyến tiền liệt
- Tiếp xúc với hóa chất độc hại
Các dấu hiệu ung thư tuyến tiền liệt – bạn cần nắm vững để nhận biết bệnh
Hầu hết tế bào ung thư tuyến tiền liệt thuộc loại ung thư biểu mô tuyến. Có một số trường hợp tế bào ung thư phát triển nhanh, nhưng hầu hết chúng thường rất chậm và không có biểu hiện về bệnh lý ở giai đoạn sớm. Vì vậy mà rất nhiều bệnh nhân chỉ phát hiện bệnh khi đã ở giai đoạn muộn, khiến việc điều trị trở nên rất khó khăn và có khả năng gây tử vong.
Giai đoạn sớm của ung thư tuyến tiền liệt thường không có những biểu hiện cụ thể. Hầu hết các bệnh nhân ung thư tuyến tiền liệt có thể được phát hiện ở giai đoạn sớm nếu thực hiện các xét nghiệm sàng lọc.
Tuy nhiên ở giai đoạn tiến triển, bệnh cũng cảnh bảo bằng một số dấu hiệu ung thư tuyến tiền liệt như:
- Gặp các rối loạn tiểu tiện bao gồm: tiểu thường xuyên, tiểu chậm, tia nước tiểu yếu…
- Khó chịu khi đi tiểu, thường cảm thấy buốt, rát
- Có lẫn máu trong nước tiểu hoặc trong tinh dịch
- Đau ở hông, thắt lưng, ngực hoặc đau ở các vùng khác nhưng lan tỏa tới xương.
- Yếu, tê bì ở bàn chân
- Mất kiểm soát tiểu tiện hoặc đại tiện do khối u di căn xương chèn ép tủy sống
- Rối loạn cương dương, đôi khi thấy đau khi xuất tinh
Khi thấy xuất hiện triệu chứng này không khẳng định chắc chắn bạn mắc ung thư tiền liệt tuyến. Tuy nhiên khả năng bị ung thư vẫn có, để an tâm và kiểm soát sức khỏe tốt nam giới nên chủ động thăm khám kiểm tra. Nếu có bệnh được phát hiện ở giai đoạn sớm thì khả năng chữa khỏi bệnh sẽ cao, không nguy hiểm cho tính mạng.
Phương pháp chẩn đoán và phát hiện sớm ung thư tiền liệt tuyến
Khám sàng lọc ung thư tiền liệt tuyến là phương pháp kiểm tra phát hiện có tế bào ung thư trước khi người bệnh biểu hiện dấu hiệu ung thư tiền liệt tuyến. Bệnh khi được phát hiện sớm, các tế bào ung thư chưa di căn thì việc điều trị sẽ có nhiều khả thi hơn người bị ung thư ở giai đoạn cuối.
Bệnh nhân ung thư tuyến tiền liệt có thể phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm bằng một số phương pháp như:
- Xét nghiệm máu để kiểm tra mức độ kháng nguyên đặc hiệu tuyến tiền liệt (prostate-specific antigen (PSA)).
- Khám trực tràng bằng ngón tay(digital rectal exam (DRE)). Do tuyến tiền liệt nằm trên trực tràng nên bằng dùng ngón tay kiểm tra trực tràng, bác sỹ có thể xác định tiền liệt tuyến có lớn bất thường hay không một cách tương đối chính xác.
Nếu các xét nghiệm cho kết quả bất thường thì bệnh nhân cần thực hiện xét nghiệm sinh thiết để xác định chính xác tình trạng và giai đoạn của bệnh. Xét nghiệm sinh thiết thường là thủ thuật ngoại trú và bác sĩ sẽ có thể khuyên uống trụ sinh sau đó để giảm nguy cơ nhiễm trùng. Mô được gửi cho bác sĩ chuyên khoa bệnh học để tìm xem các tế bào là ác tính hay lành tính.
Lộ trình điều trị ung thư tiền liệt tuyến
Ở mỗi giai đoạn ung thư bác sĩ có những lộ trình điều trị bệnh khác nhau, đều dựa trên nguyên tắc loại bỏ tối đa các tế bào ung thư, ức chế sự phát triển của chúng.
Một số phương pháp đang được áp dụng trong điều trị ung thư tiền liệt tuyến như:
1. Phẫu thuật
Đối với những trường hợp bị ung thư giai đoạn đầu, bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật, loại bỏ các tế bào ung thư. Loại phẫu thuật chính được chỉ định cho bệnh ung thư tuyến tiền liệt là phẫu thuật cắt bỏ tuyến tiền liệt triệt để.
Trong phẫu thuật này, bác sĩ sẽ loại bỏ toàn bộ tuyến tiền liệt và một số mô lan cận tuyến tiền liệt, bao gồm cả túi tinh. Sau đó kết hợp với quá trình điều trị tích cực thì bệnh có thể chữa khỏi.
2. Xạ trị
Đối với bệnh nhân ở giai đoạn cuối, khả năng thành công trong điều trị sẽ thấp đi nhiều. Xạ trị kết hợp với liệu pháp hormone đang là phương pháp được lựa chọn với ung thư tiền liệt tuyến mà các tế bào ung thư đã di căn sang các mô liền kề.
Xạ trị là phương pháp sử dụng bức xạ năng lượng cao để tiêu diệt tế bào ung thư tuyến tiền liệt. Trong giai đoạn tế bào ung thư chưa di căn, xạ trị được đánh giá là có kết quả điều trị tương đương với phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ tuyến tiền liệt.
3. Liệu pháp hormone cho ung thư tuyến tiền liệt
Liệu pháp hormone với mục đích là để giảm mức độ hormone androgen (hormone nội tiết nam) trong cơ thể, ngăn chặn chúng cung cấp năng lượng cho các tế bào ung thư tuyến tiền liệt.
Giảm nồng độ androgen hoặc ngăn chặn chúng xâm nhập vào các tế bào ung thư tuyến tiền liệt sẽ làm cho ung thư tuyến tiền liệt co lại hoặc phát triển chậm hơn trong một thời gian.
Liệu pháp hormon đơn thuần không thể chữa được ung thư tuyến tiền liệt. Do đó liệu pháp này thường được sử dụng với những trường hợp ung thư đã di căn quá xa để có thể chữa khỏi bằng phẫu thuật hoặc xạ trị.
Bị mắc ung thư tuyến tiền liệt sống được bao lâu?
Theo các thống kê y học cho thấy tỷ lệ bệnh nhân bị ung thư tiền liệt tuyến chưa có di căn xa được điều trị đúng phương pháp, có thể sống thêm sau 5 năm là gần 100 %. Tỷ lệ này giảm xuống dưới 50% ở các bệnh nhân đã có di căn xa.
Nếu ung thư di căn vào xương và các hạch bạch huyết thì các phương pháp điều trị chỉ có thể kéo dài thời gian sống vài tháng hoặc 1 năm.
Vì thế phát hiện bệnh sớm và điều trị đúng phương pháp là yếu tố vô cùng quan trọng trong việc chữa khỏi ung thư tiền liệt tuyến. Các dấu hiệu ung thư tuyến tiền liệt ở giai đoạn đầu thường không rõ ràng để nhận biết, khi nhận ra bệnh thường đã đến giai đoạn cuối. Do đó, nam giới nên thăm khám sức khỏe định kỳ, tầm soát các bệnh lý nguy hiểm trong đó có ung thư tuyến tiền liệt để có phương án điều trị kịp thời và hợp lý.
Phương pháp giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư tuyến tiền liệt
Trong cơ thể luôn tồn tại tế bào tiền ung thư, mỗi người nên chuẩn bị cho mình một cơ thể khỏe mạnh, không tạo cơ hội cho các tế bào tiền ung thư bị kích hoạt do các thói quen xấu. Bắt đầu lối sống lành mạnh, sử dụng thực phẩm an toàn, từ thiên nhiên không hóa chất.
Một lối sống khoa học để phòng tránh ung thư bao gồm:
- Chế độ ăn uống khoa học:Hãy ăn các bữa ăn có chất dinh dưỡng. Nên bổ sung vào thực đơn các thực phẩm tốt cho tim là tốt cho tuyến tiền liệt.
- Hoạt động thể dục, thể thao: Đã có nghiên cứu chứng minh hoạt động thể lực và tập thể dục đều đặn có thể là những yếu tố bảo vệ chống ung thư. Hãy tập tối thiểu 30 phút mỗi ngày để có cơ thể khỏe mạnh.
Bài viết trên đây đã chia sẻ đến bạn đọc những thông tin về dấu hiệu ung thư tuyến tiền liệt và các vấn đề xung quanh. Hi vọng có thể giúp phái mạnh có thêm kiến thức về bệnh để có phương án điều trị hay phòng ngừa đúng đắn. Cuối cùng hãy thăm khám sức khỏe định kỳ ít nhất 6 tháng/ lần để tầm soát những bệnh lý nguy hiểm ở giai đoạn sớm, đảm bảo khả năng sống sót.