[ Kinh Nguyệt ] – Chu Kỳ, Cách Tính, Dấu Hiệu Và Cách Nhanh Hết Kinh
Kinh nguyệt là tập hợp các thay đổi sinh lý lặp đi lặp lại ở cơ thể phụ nữ dưới sự điều khiển của hệ hormone sinh dục và cần thiết cho sự sinh sản. Ở phụ nữ, chu kỳ kinh nguyệt điển hình xảy ra hàng tháng giữa thời kỳ dậy thì và mãn kinh.
Tổng quan về kinh nguyệt
1. Chu kỳ kinh nguyệt là gì?
Kinh nguyệt bình thường có thời gian khoảng 3 – 5 ngày hoặc cũng có thể dao động từ 2 – 7 ngày. Chu kỳ kinh nguyệt lý tưởng là 28 ngày kể từ ngày đầu tiên có kinh của một chu kỳ kinh nguyệt đến ngày đầu tiên của chu kỳ tiếp theo. Thông thường chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ trưởng thành thường dao động trong khoảng 21 – 35 ngày.
Với những thiếu nữ đang độ tuổi dậy, trong 1 -2 năm đầu thì chu kỳ kinh nguyệt sẽ có biến động nhiều một chu kỳ có thể kéo dài đến 45 ngày.
Chất lỏng kinh nguyệt mà mọi người thường gọi là máu kinh thì chính xác có chứa một ít máu cùng với chất nhầy cổ tử cung, âm đạo và các mô niêm mạc tử cung bị thoái hóa. Chất lỏng kinh nguyệt có màu nâu đỏ, đậm hơn so với máu tĩnh mạch. Trong một chu kỳ kinh nguyệt thể tích chất lỏng kinh nguyệt đào thải 35ml, biến động trong khoảng 10 – 80ml được coi là bình thường.
2. Thời gian bắt đầu xuất hiện chu kỳ kinh nguyệt ở nữ giới
Chu kỳ kinh nguyệt thường bắt đầu từ 9 đến 15 tuổi. Kỳ kinh nguyệt đầu tiên xuất hiện ngay sau khi bé gái bắt đầu phát triển dậy thì. Tuy nhiên, kinh nguyệt đến sớm hay muộn sẽ phụ thuộc vào một số yếu tố ảnh hưởng như: Chế độ dinh dưỡng của mỗi bạn gái, môi trường sống, tâm lý hoặc di truyền…
Có một số bạn gái có thể dậy thì trước 9 tuổi hoặc muộn hơn 15 tuổi. Những trường hợp đặc biệt này các bậc phụ huynh nên đưa con đến cơ sở y tế uy tín để thăm khám và tìm ra nguyên nhân gây nên dậy thì sớm/ muộn, từ đó có phương án can thiệp thích hợp hỗ trợ bé phát triển bình thường tránh những hệ quả không tốt như khả năng mang thai và làm mẹ sau này.
3. Thời gian kết thúc chu kỳ kinh nguyệt hoàn toàn ở nữ giới
Những phụ nữ qua tuổi 50 thường sẽ bắt đầu bước đến giai đoạn mãn kinh.Mãn kinh là hiện tượng phụ nữ sau 1 năm không xuất hiện chu kỳ kinh nguyệt nào. Điều này là do phụ nữ càng lớn tuổi các hormone sinh sản càng suy giảm và đến độ tuổi nhất định lượng hormon điều khiển chu kỳ kinh nguyệt không còn đủ để kích thích nang trứng phát triển và phóng noãn.
Cơ chế chu kỳ kinh nguyệt
Cơ chế chu kỳ kinh nguyệt là sự hoạt động nhịp nhàng của hệ trục: dưới đồi – tuyến yên – buồng trứng. Hoạt động của hệ trục này tác động lên tử cung là cơ quan đích.
1. Pha nang noãn
1.1. Hành kinh:
Ngày đầu tiên thấy máu chảy ra từ âm đạo chính là ngày đầu tiên của chu kỳ kinh được tính là ngày 01. Thời gian hành kinh thường kéo dài từ 3 – 5 ngày. Ở giai đoạn nồng độ estrogen giảm đột ngột khiến các tế bào nội mạc tử cung bị thoái hóa, bong tróc. Điều này làm vùng tử cung bị mỏng hơn. Ngày ngừng ra kinh nguyệt là ngày kết thúc pha này chuyển sang pha phát triển nội mạc.
1.2. Phát triển nội mạc:
Giai đoạn tiếp theo là phát triển nội mạc. Lúc này vùng dưới đồi sẽ tiết ra hormon GnRH (Gonadotropin releasing hormone) tác động lên thùy trước của tuyến yên tiết ra hormon FSH và LH.
Hormon FSH kích thích các nang trứng phát triển, khi nang trứng lớn dần lớp tế bào hạt ở vỏ nang tiết ra estrogen.
Hormon estrogen sẽ có tác dụng:
- Estrogen sẽ ức chế ngược tiết FSH, làm cho nồng độ FSH trong máu giảm dần, dẫn đến sự cạnh tranh FSH chỉ một nang trứng khỏe mạnh nhất giành được tiếp tục phát triển, các nang trứng khác sẽ thoái hóa được cơ thể hấp thụ lại.
Do đó mỗi chu kỳ kinh nguyệt bình thường chỉ rụng 1 trứng.
- Estrogen giúp nội mạc tử cung dày lên, các mạch máu tăng sinh phát triển nội mạc, ngoài ra còn giúp tổng hợp các thụ thể với Progesterone chế tiết chất dịch nhờn. Chuẩn bị cơ chất tạo môi trường lý tưởng cho quá trình thụ thai và nuôi thai.
Khi nồng độ Estrogen đạt nồng độ cực đại, nó sẽ tác động đến tuyến yên phóng thích hormon LH, dẫn sự phóng noãn (hay còn gọi là rụng trứng). Thời gian phóng noãn (rụng trứng) lý thuyết là ngày thứ 14, tuy nhiên có thể biến động từ ngày 11 đến ngày 18(khoảng giữa của chu kỳ). Đây là dấu mốc kết thúc pha nang noãn, chuyển sang pha hoàng thể
2. Pha hoàng thể
Sau khi phóng noãn, phần cấu trúc còn lại của nang noãn co cụm lại được mạch máu nuôi phát triển, cấu trúc mới này gọi là hoàng thể được duy trì bởi hormon LH. Hoàng thể có chức năng tiết Estrogen và Progesterone.
Progesterone trong giai đoạn này được điều tiết mạnh mẽ với tác dụng:
- Ổn định nội mạc tử cung, các mạch máu trở nên xoăn, bám sâu và cung cấp máu hiệu quả hơn, nội mạc trở nên lý tưởng cho sự thụ tinh.
- Ức chế ngược quá trình chế tiết LH ở tuyến yên và GnRH từ vùng dưới đồi, làm nồng độ LH giảm dần và dẫn đến sự suy giảm của chính Progesterone do không còn LH để duy trì hoàng thể.
Diễn tiến tiếp theo sẽ tùy thuộc vào việc trứng có được thụ tinh hay không:
- Nếu trứng không được thụ tinh: LH sẽ suy giảm do sự ức chế ngược của Progesterone được tiết ra bởi hoàng thể. Dẫn đến sự tiêu hoàng thể và sự giảm nồng độ Estrogen và progesterone.
Tế bào niêm mạc nội tử cung không được tiếp tục duy trì bởi hormone tình dục (estrogen, progesterone), dần thoái hóa, bong tróc ra và dẫn đến giai đoạn hành kinh của chu kỳ tiếp theo.
- Nếu trứng được thụ tinh: LH vẫn sụt giảm do ức chế của Progesterone, nhưng hoàng thể sẽ được duy trì bằng beta-hCG (human chorionic gonadotropin) tiết ra bởi hợp bào nuôi của phôi thai. Chu kỳ kinh nguyệt sẽ bị chặn lại cho đến khi kết thúc chu kỳ mang thai. Lúc đó hệ trục vùng dưới đồi – tuyến yên – buồng trứng sẽ hoạt động trở lại bình thường.
Những dấu hiệu chu kỳ kinh nguyệt
Một số dấu hiệu thường thấy trước khi bắt đầu chu kỳ kinh nguyệt như:
- Đau bụng: đây là tình trạng phổ biến thường gặp ở các chị em khi chuẩn bị đến kỳ kinh. Cơn đau cũng tùy thuộc vào cơ địa mỗi người, có thể đau lâm râm, âm ỉ nhưng cũng có thể đau quặn, dữ dội thành từng cơn.
Bên cạnh đó, cũng có những chị em không thấy dấu hiệu đau bụng khi sắp đến chu kỳ kinh nguyệt.
- Đau lưng: Cũng giống như dấu hiệu đau bụng, đau lưng cũng tùy vào cơ địa của mỗi người.
- Dịch tiết âm đạo: Đây là dấu hiệu thường thấy ở hầu hết các chị em. Lúc này dịch tiết âm đạo ra nhiều, hơi lỏng, không màu không mùi, khiến chị em cảm thấy ẩm ướt khó chịu.
- Một số dấu hiệu khác: Ngoài ra thì chị em cũng có thể xuất hiện một số dấu hiệu khác như: đau đầu, chóng mặt, cơ thể mệt mỏi, tâm lý bất ổn…Tuy nhiên nó không phổ biến chỉ gặp ở số ít chị em.
Vi những ngày “đèn đỏ” ít nhiều cũng gây những bất tiện khó khăn, nên việc nhận biết dấu hiệu đến kỳ kinh sẽ giúp chị chủ động sắp xếp những hoạt động như: đi du lịch, chơi thể thao, tham gia các hoạt động ngoài trời…
Một số dấu hiệu chu kỳ kinh bất thường bạn cần lưu ý như:
- Chu kỳ kinh nguyệt ngắn hơn 21 ngày hoặc dài hơn 45 ngày
- Chất lỏng kinh nguyệt có những dấu hiệu bất thường như đen, nâu hoặc đỏ tươi
- Đau bụng, đau lưng dữ dội vào trước hoặc trong những ngày hành kinh
- Dịch tiết âm đạo ra nhiều, có mùi hôi khó chịu, tính chất khác lạ…
Khi nhận thấy dấu hiệu bất thường này chị em nên tham vấn ý kiến của bác sĩ để tìm ra nguyên nhân và cách khắc phục kịp thời. Bởi vì chu kỳ kinh nguyệt chính là yếu tố chi phối khả năng làm mẹ của phụ nữ sau này.
Những ảnh hưởng của bất thường chu kỳ kinh nguyệt
Khi chu kỳ kinh nguyệt bị rối loạn thường sẽ gặp một số chứng bệnh như:
- Kinh nguyệt không đều: Hai chu kỳ chênh nhau trên 20 ngày trong 90 ngày quan sát.
- Vô kinh: Không có kinh nguyệt trong 90 ngày.
- Rong kinh: Thời kỳ hành kinh kéo dài trên 08 ngày.
- Cường kinh: Máu kinh ra nhiều, ảnh hưởng đến thể chất, tinh thần, hoạt động thường ngày của người phụ nữ.
- Thống kinh: đau bụng nhiều trong kỳ kinh.
Những chứng bệnh này sẽ gây ra những ảnh hưởng từ mức độ nhẹ đến nặng và nguy hiểm nhất là ảnh hưởng đến khả năng làm mẹ của nữ giới sau này.
Những ảnh hưởng không nhỏ của việc chu kỳ kinh nguyệt bất thường như:
- Ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày: Chứng bệnh thống kinh sẽ khiến chị em phải chịu những cơn đau bụng dữ dội, mệt mỏi không làm được gì. Rong kinh , cường kinh khiến lượng máu của nữ giới bị mất nhiều gây mệt mỏi chóng mặt, hạ huyết áp…
- Ảnh hưởng đến khả năng sinh sản: Nếu rối loạn kinh nguyệt xuất phát từ u xơ tử cung, đa nang buồng trứng thì chị em sẽ gặp khó khăn trong việc thụ thai.
- Ảnh hưởng đến nhan sắc: Sự rối loạn nội tố trong cơ thể có liên quan mật thiết đến cấu trúc da. Chị em bị rối loạn nội tiết da thường xanh xao, sắc tố da tối, nổi nhiều mụn…
- Nguy cơ vô sinh hiếm muộn: Những rối loạn trong chu kỳ kinh nguyệt sẽ khiến chị em khó xác định được đúng thời gian rụng trứng để thụ thai. Nghiêm trọng hơn là tình trạng vô kinh không có trứng rụng sẽ là nguyên nhân vô sinh ở nữ giới.
- Gây thiếu máu: Với những chị em bị rong kinh, cường kinh mức độ nặng, lượng máu kinh vượt quá 80ml sẽ khiến lượng hồng cầu tụt giảm mạnh, cơ thể mệt mỏi, chóng mặt, dễ ngất xỉu…
Bài viết trên đây đã cung cấp một cách tổng quan nhất về chu kỳ kinh nguyệt. Hi vọng những thông tin này là hữu ích, có thể giúp chị em hiểu rõ được hiện tượng sinh lý đặc biệt này và vai trò quan trọng của nó.